Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi
Ngày 15/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1063/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi (tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi).
Tổng diện tích tự nhiên Công ty đang quản lý và sử dụng là 22.770,46 ha. Tổng trữ lượng gỗ hiện có là 2.488.035,3 m3(trữ lượng gỗ rừng tự nhiên là 2.482.619,4m3; trữ lượng gỗ rừng trồng là 5.415,9m3). Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên 109 tỷ đồng.
Phương án nhằm mục đích quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý; nâng cao độ che phủ, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho cán bộ nhân viên trong Công ty và một bộ phận người dân trong vùng; giữ vững an ninh vùng biên giới và đóng góp tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Về kinh tế: Diện tích đất có rừng tăng khoảng 361 ha (trong đó, rừng tự nhiên tăng lên 185 ha, rừng trồng tăng 176,0 ha). Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên tăng thêm là 248.262 m3; trữ lượng gỗ rừng trồng tăng thêm là 10.560 m3. Tổng giá trị kinh tế thu được từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng gần 56 tỷ đồng; giá trị thu được từ hợp tác kinh doanh 1,5 tỷ đồng, bình quân 150 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu trong giai đoạn 2021-2030 khoảng là trên 101,148 tỷ đồng, doanh thu bình quân hằng năm gần 10,115 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 1,1 tỷ đồng, bình quân 110 triệu đồng/năm.
Về môi trường: Độ che phủ của rừng đến khi định hình đạt 96,35% tăng 1,59% so với năm 2020 (94,76%) Bảo tồn các loại động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thiết lập và quản lý nhóm rừng có giá trị bảo tồn cao, có vai trò duy trì nguồn nước, chống xói mòn bồi lấp lòng hồ các nhà máy thủy điện.
Về xã hội: Tạo công việc làm ổn định cho 41 lao động/năm đến 50 lao động/năm theo mùa vụ; góp phần ổn định đời sống người lao động trong Công ty và giúp cán bộ công nhân viên và người lao động yên tâm công tác gắn bó với rừng. Thông qua các hoạt động bảo vệ phát triển rừng và tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng. Hỗ trợ địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác.